📖 PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CÁC NỘI DUNG ÂM NHẠC
DẠY HỌC NGHE NHẠC
1. Xác định về mục đích, yêu cầu của việc dạy học sinh nghe nhạc.
1.1. Mục đích của việc dạy học sinh nghe nhạc
Nghe nhạc là một kĩ năng quan trọng để phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, vì thế hoạt động này được thực hiện khi dạy học tất cả các phân môn, từ Học hát, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức đến Nhạc lí. Trong phân môn Âm nhạc thường thức, nghe nhạc là dạng bài độc lập ở lớp 1, 2, 3 và là một phần của dạng bài giới thiệu tác giả, tác phẩm ở những lớp tiếp theo.
Trong các giờ học nhạc ở trường tiểu học nghe nhạc vừa là một dạng bài vừa là một hoạt động nhằm tăng thêm sự hiểu biết và góp phần định hướng thẩm mỹ cho học sinh. Các em được nghe một số bài dân ca, ca khúc thiếu nhi hoặc trích đoạn băng nhạc chọn lọc. Hoạt động nghe nhạc giúp học sinh:
- Phát huy thói quen nghe tốt.
- Đánh thức niềm đam mê âm nhạc.
- Làm quen với những tác phẩm âm nhạc.
- Đào tạo HS là những người nghe thông minh.
- Phát triển trí nhớ âm nhạc và tri thức nghe.
- Thể hiện cảm nhận âm nhạc thông qua tự biểu hiện.
- Phát triển thị hiếu âm nhạc thông qua nghe có sáng tạo.
- Phát triển khả năng phê bình âm nhạc.
- Phát triển nhạn thức về phương pháp biểu diễn.
1.2. Những yêu cầu khi dạy học sinh nghe nhạc
- Về chọn tác phẩm:
- Các tác phẩm hay, đặc sắc của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới và của các nhạc sĩ Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi để cho các em nghe.
- Chọn ca khúc hay những trích đoạn trong các tác phẩm nhạc không lời, những bản nhạc ngắn hoặc những giai điệu bài hát được soạn cho các nhạc cụ độc tấu hay dàn nhạc thể hiện.
- Hình thức nghe:
Cho học sinh nghe qua băng đĩa hoặc nghe từ chính sự trình bày của giáo viên.
1.2. Xác định các bước dạy nghe nhạc và việc sử dụng phương tiện để dạy học sinh nghe nhạc
1.2.1. Tiến trình dạy học nghe nhạc
Nghe nhạc là nghe một bài hát hoặc tác phẩm âm nhạc không lời. Hoạt động này nhằm bổ sung cho học sinh hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc và năng lực cảm thụ, giúp các em hình thành kĩ năng nghe, đó là sự tập trung và chăm chú, không ồn ào, biết nhận xét hoặc đánh giá về tác phẩm. Nghe nhạc còn nhằm giáo dục cho học sinh thị hiếu âm nhạc lành mạnh, phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em.
Phát triển khả năng nghe nhạc quy định dạy những nội dung : Nghe một số bài hát, Đọc một số chuyện kể về âm nhạc với đời sống, Tập nhận biết hướng đi của âm thanh phân biệt âm thanh cao thấp dài ngắn với các tốc độ khác nhau. Nhận biết một số loại nhạc cụ dân tộc và phương tây phổ biến. Tiến trình dạy 1 tiết nghe nhạc gồm các bước sau:
Bước 1 : Giới thiệu về bản là bước đầu tiên để học sinh nắm được nhiệm vụ tiết học. Hoạt động có thể sử dụng là :
HĐ GV | HĐHS |
- GV giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. - GV quy định thời gian nghe. |
- Theo dõi và thực hiện theo yêu cầu GV |
Bước 2 : Nghe lần thứ nhất để học sinh làm quen với tác phẩm âm nhạc, có cảm nhận ban đầu về nó.
HĐ GV | HĐHS |
- GV tự trình bày hoặc mở băng đĩa nhạc. - Khuyến khích HS nghe và kết hợp với các hoạt động. |
- HS nghe nhạc có thể kết hợp với các hoạt động tự nhiên như gõ nhịp, vận động theo nhạc, vẽ tranh… |
Bước 3 : Trao đổi về bản nhạc giúp học sinh thấy được vẻ đẹp của tác phẩm
HĐ GV | HĐHS |
- GV khuyến khích học sinh nói cảm nhận của mình về tác phẩm. - Giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu, ví dụ: + Em yêu thích nét nhạc nào trong bản nhạc, hình ảnh nào trong bài hát? + Giọng hát trong băng, đĩa nhạc là giọng nam hay nữ (nếu là bài hát)? + Hình thức trình bày là đơn ca, song ca hay tốp ca (nếu là bài hát) + Diễn tả lại một nét nhạc nào đó (huýt sáo hoặc đọc bằng nguyên âm)? - Giáo viên kết luận về nội dung, tính chất của bản nhạc. Giáo dục thái độ tập trung khi nghe nhạc hoặc khuyến khích học sinh thường xuyên tìm hiểu và nghe những bản nhạc hay. |
Học sinh nói cảm nhận của mình như: bản nhạc sổi nổi hay tha thiết, nhanh hay chậm, vui hay buồn, đã từng nghe, từng đàn hoặc hát… |
Bước 4 : Nghe nhạc lần thứ hai: Giúp HS nhớ về giai điệu, nội dung của tác phẩm trên sự định hướng của GV đồng thời có thể phát biểu cảm nhận của mình về bản nhạc.
HĐ GV | HĐHS |
Giáo viên tự trình bày hoặc mở băng, đĩa nhạc | - Học sinh lần thứ hai để cảm nhận sâu sắc hơn về bản nhạc, các em có thể kết hợp các hoạt động như gõ nhịp, vận động nhẹ nhàng, vẽ tranh diễn tả cảm nhận về bản nhạc, hát hoà theo… |
* Chú ý: Lỗi cần tránh khi dạy nghe nhạc là giáo viên cho học sinh nghe bài hát rồi dạy các em bài hát đó. Giáo viên hướng dẫn các em tập hát từng câu, yêu cầu học sinh hát đúng giai điệu kết hợp gõ đệm hoặc vận động. Điều này là sai trọng tâm và không đúng mục tiêu, mục tiêu nghe nhạc chỉ để các em hiểu biết về bài hát chứ không phải hát đúng giai điệu bài hát đó.
1.2.2. Sử dụng phương tiện để dạy học sinh nghe nhạc
- Trước khi thực hiện tiết dạy thì người GV phải biết lựa chọn nội dung cho dạng bài nghe nhạc , GV chọn bài cho HS nghe trong số các thể loại sau :
- Bài hát thiếu nhi.
- Dân ca các vùng miền hoặc địa phương.
- Nhạc không lời.
- Chọn danh mục: Phải chọn những tác phẩm hay để đưa các em thâm nhập vào lĩnh vực âm nhạc thuần tuý với những kiệt tác của của những tác giả tiêu biểu. Hãy làm cho HS thích hát và nghe nhạc và sự thích hay không thích đều phụ thuộc vào sự dẫn dắt của giáo viên
- Bình luận về tác phẩm: GV phải nghe nhiều và tiến tới say mê nghe nhạc để khả năng thưởng thức của mình có thể vượt được một số người chỉ chuyên thực hành máy móc trên nhạc cụ. Có như vậy, khi dạy mới chia sẻ được niềm vui sướng nghe nhạc của mình tới HS được. Phải nghe đi nghe lại nhiều lần tác phẩm mà mình sắp giới thiệu để bản nhạc thấm vào người, nhớ từng câu từng đoạn từng tiết tấu điển hình hay chủ đề dễ nhận ra ở bất kỳ chỗ nào.
Chuẩn bị đồ dùng trực quan:
- Có thể là tranh ảnh, hình vẽ để liên hệ tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào , thuộc thế kỷ nào, có liên quan tới những sự kiện gì... Cả những hình vẽ những nhạc cụ được sử dụng trong tác phẩm đó. GV nhất thiết phải thuộc một vài câu nhạc để đàn lên khi cần thiết trong lúc bình luận , minh hoạ. Cần nhớ một vài tác phẩm khác để liên hệ.
- Máy nghe nhạc cũng như băng đĩa phải đảm bảo về chất lượng âm thanh phát ra chuẩn xác. Tránh tình trạng máy hư, âm thanh phát ra không nghe rõ, băng nhão… sẽ gây ra những phản cảm cho học sinh khi nhạc, làm cho các em không thưởng thức được cái hay cái đẹp mà tác phẩm mang lại.
- Về tranh ảnh nếu giáo viên tự vẽ lấy thì phải đảm bảo đẹp, có tính thẩm mỹ cao.
DẠY HỌC ĐỌC NHẠC
1. Xác định mục đích, yêu cầu của việc dạy học sinh tập đọc nhạc
1.1. Mục đích của việc dạy tập đọc nhạc
- Giúp cho HS nhận biết và ghi nhớ các ký hiệu ghi chép âm nhạc thông thường như: Ký hiệu ghi trường độ, cao độ. Có hiểu biết về nhịp, phách, các loại nhịp, dấu hoá...
- Giúp HS tập đọc đúng cao độ, trường độ và biết đánh nhịp trên những bài TĐN đơn giản, dễ đọc thông qua những bài trong SGK.
- Từ các bài đọc nhạc, học sinh có thể ghép lời ca, hát đúng giai điệu.
- Giúp các em tích luỹ thêm những giai điệu giàu tính thẩm mỹ, làm phong phú vốn âm nhạc và bồi dưỡng năng lực cảm thụ âm nhạc thêm nhạy bén, tinh tế.
- Từ những bài TĐN được học và được dạy PP đọc nhạc trong một chừng mực nhất định, học sinh có thể tự tìm hiểu thực hiện được những bài hát ngắn gọn, đơn giản bằng nhạc cụ hoặc đọc nhạc.
1.2. Những yêu cầu của việc dạy tập đọc nhạc
- Các em luyện tập nhớ vị trí nốt trên khuông, đọc đúng cao độ, trường độ, tiết tấu, tiến tới đọc bài nhạc trên khuông nhạc với phần giai điệu, sau đó đọc ghép với lời ca và hát lên.
- Các bài tập đọc nhạc phần lớn là những khúc nhạc ngắn, không quá phức tạp, thường là những trích đoạn trong các bài hát.
2. Các bước dạy học sinh tập đọc nhạc.
2.1. Bước 1: Giới thiệu về bài tập đọc nhạc
- Giáo viên treo bài Tập đọc nhạc lên bảng.
- Giáo viên giới thiệu ngắn gọn về tên, tác giả bài Tập đọc nhạc.
2.2. Bước 2: Tập đọc tên nốt nhạc
Yêu cầu của bước này là học sinh chỉ cần nắm vững và nói đúng tên các nốt nhạc. Giáo viên có thể thực hiện bằng cách chỉ vào từng nốt trong bài Tập đọc nhạc để cả lớp đồng thanh nói tên nốt hoặc chỉ định một vài học sinh nói tên nốt trong từng khuông nhạc
* Chú ý: Nói tên nốt khác với đọc nhạc ở chỗ, học sinh chỉ cần biết tên nốt nhạc là Đô, Rê, Mi, Pha, Son… mà không cần thể hiện đúng cao độ của chúng
2.3. Bước 3: Luyện tập về cao độ
- Giáo viên hỏi học sinh về cao độ các nốt trong bài Tập đọc nhạc từ thấp lên cao, giáo viên viết lên bảng thành thang âm.
- Giáo viên dịch giọng cho phù hợp với giọng của học sinh.
- Giáo viên đàn để học sinh đọc cao độ các nốt từ thấp lên cao rồi theo chiều ngược lại. Đôi khi giáo viên cũng nên hướng dẫn các em tập đọc các quãng trong thang âm.
2.4. Bước 4: Luyện tập về tiết tấu
- Giáo viên viết tiết tấu của bài Tập đọc nhạc lên bảng . Nếu không viết lên bảng, giáo viên cần chỉ vào bài Tập đọc nhạc để học sinh nhận ra âm hình tiết tấu đó.
- Giáo viên gõ tiết tấu làm mẫu.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện tập tiết tấu.
* Lưu ý:
+ Có nhiều cách luyện tập, trong đó có 4 cách khá phổ biến mà GV thường áp dụng, đó là: đọc tiết tấu, gõ tiết tấu, đọc kết hợp gõ tiết tấu, đọc tiết tấu kết hợp gõ phách.
+ Thời gian luyện tập tiết tấu không nên kéo dài, chỉ thực hiện trong khoảng 2-3 phút.
+ Nếu bài TĐN có tiết tấu khó, giáo viên nên sử dụng cách luyện tập tiết tấu đơn giản (đọc tiết tấu hoặc gõ tiết tấu), ngược lại bài có tiết tấu dễ, có thể áp dụng cách luyện tập phức tạp (đọc kết hợp gõ tiết tấu hoặc đọc tiết tấu kết hợp gõ phách).
2.5. Bước 5: Tập đọc từng câu nhạc
- Chỉ nốt nhạc trong câu 1 để cả lớp đồng thanh nói tên nốt nhạc.
- Luyện tập cao độ câu 1: giáo viên đàn một vài âm để làm chỗ dựa cho học sinh đọc cao độ các nốt nhạc.
- Giáo viên đàn giai điệu rồi chỉ nốt nhạc để cả lớp tự đọc câu 1 (kết hợp cao độ và tiết tấu vừa luyện tập).
- Học sinh khá xung phong đọc lại, GV nghe và sửa sai.
- Giáo viên đàn giai điệu để tất cả tự kiểm tra và sửa sai sau đó cho đọc lại lần nữa.
- Đọc câu 2 và các câu tiếp theo tương tự, nếu có câu giống câu trước thì để học sinh tự nhận biết và tự đọc
2.6. Bước 6: Tập đọc cả bài
- Giáo viên dùng thước chỉ vào bài Tập đọc nhạc để học sinh tập đọc cả bài.
- Giáo viên đàn giai điệu, học sinh đọc cả bài hoà với tiếng đàn, vừa đọc vừa gõ tiết tấu.
- Giáo viên chỉ định một vài học sinh khá đọc bài, làm mẫu cho các bạn.
- Giáo viên lắng nghe học sinh đọc (không nên sử dụng nhạc cụ) để phát hiện chỗ sai, hướng dẫn các em sửa chữa.
2.7. Bước 7: Ghép lời ca
-Giáo viên đàn giai điệu, nửa lớp đọc nhạc đồng thời nửa kia tập ghép lời (hoặc giáo viên đàn, học sinh tự hát).
- Giáo viên chỉ định học sinh hát lời.
- Giáo viên sửa chỗ sai.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh hát lời và gõ phách.
2.8. Bước 8: Củng cố, kiểm tra
- Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc nhạc, ghép lời kết hợp gõ phách hoặc đánh nhịp.
- Hướng dẫn học sinh đọc nhạc kết hợp thể hiện cường độ của phách mạnh, phách nhẹ.
- Học sinh trình bày bài Tập đọc nhạc theo tổ, nhóm hoặc cá nhân.
- Học sinh xung phong lên bảng, quan sát bài Tập đọc nhạc, chỉ nốt kết hợp đọc nhạc, hát lời.
DẠY HỌC NHẠC CỤ
Phần nhạc cụ trong chương trình ÂN Tiểu học gồm 2 mạch: Nhạc cụ gõ và vận động cơ thể. Các nhạc cụ gõ được sử dụng là những nhạc cụ dân tộc, bao gồm thanh phách, trống nhỏ. Nhạc cụ nước ngoài như Tambourin. Vận động cơ thể sử dụng những động tác dễ thực hiện như: Vỗ tay, vỗ đùi, giậm chân...Các mẫu bài tập được thiết kế theo bốn nhóm đơn giản, hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn, phù hợp với học sinh.
Các bước dạy học nhạc cụ
Bước 1: GV giới thiệu nhạc cụ và hướng dẫn những kỹ thuật chơi nhạc cụ (hoặc động tác vận động cơ thể), để HS làm quen và bắt chước.
Bước 2: GV yêu cầu HS quan sát và thực hiện những mẫu luyện tập từ 2-3 lần. Sau đó HS tự thực hiện các kỹ thuật (động tác được học, Những mẫu tiết tấu khó, GV nên làm mẫu với tốc độ chậm trong vài lần để HS quan sát và mô phỏng.
Bước 3: GV hướng dẫn HS rèn luyện những mẫu tập, quan sát và giúp những HS thực hiện chưa được tốt chỉnh sửa.
DẠY HỌC THƯỜNG THỨC ÂM NHẠC
Tổ chức hoạt động dạy học: Tìm hiểu nhạc cụ
Bước 1: GV giới thiệu cho HS về các loại nhạc cụ có trong bài học. Có thể dùng hình ảnh hoặc nhạc cụ trực quan để minh họa cho bài học
Bước 2: GV cho HS khám phá các nhạc cụ bằng hình ảnh, video biểu diễn (hoặc tiếp xúc trực tiếp nếu có điều kiện) nhận biết âm thanh đặc trưng và cách chơi nhạc cụ
Bước 3: GV gợi ý để HS rút ra các đặc điểm về hình dáng, cấu trúc, cách sử dụng cơ bản của từng loại nhạc cụ
Bước 4: GV cho HS xem một số video minh họa biểu diễn loại nhạc cụ có trong bài học.
Tổ chức hoạt động dạy học: Câu chuyện âm nhạc
Bước 1: Giới thiệu vài nét về các nhân vật (sử dụng tranh ảnh minh họa) . Gợi ý cho HS khám phá về tính cách , vận động, âm thanh của các con vật, sự vật hoặc nhân vật nào đó có trong câu chuyện.
Bước 2: Giới thiệu cho HS bắt chước các âm thanh của sự vật, thể hiện các mẫu âm và vận động của các nhân vật trong câu chuyện.
Bước 3: GV kể cho HS nghe câu chuyện ( theo tranh hoặc trên nền nhạc), khi đến những điểm nhấn cần được phụ họa của HS thì tạm dừng và ra dấu cho HS thể hiện các mẫu âm hay vận động
Bước 4: Đối với câu chuyện giới thiệu về chủ đề hoặc trích đoạn âm nhạc cổ điển thì GV vận động, diễn xuất (như đóng kịch câm), gợi ý cho HS hình dung ra nội dung câu chuyện theo cách riêng của mình. GV chỉ cung cấp về tên tác giả, tác phẩm của trích đoạn âm nhạc sau khí học sinh nghe, vận động, diễn xuất và hoạt động trải nghiệm.
DẠY HỌC LÝ THUYẾT ÂM NHẠC