📖 PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÁT
1. Những đặc điểm về phương pháp:
Trong giai đoạn các lớp 1, 2, 3 ở tiểu học, dạy âm nhạc chủ yếu là dạy hát. Tuy nhiên, theo quan điểm dạy - học âm nhạc hiện nay, quá trình dạy hát còn có sự tích hợp với nhiều nội dung khác nhau. Do đó, phương pháp dạy hát có những đặc điểm và yêu cầu sau:
1.1. Phát huy tính tích cực của học sinh trong khi học hát:
Tính tích cực của học sinh được thể hiện ở các mặt sau:
- Tự giác tham gia vào quá trình tập hát và các hoạt động kết hợp như: gõ đệm, vận động, trò chơi âm nhạc, biểu diễn tập thể một cách thoải mái, hào hứng.
- Học sinh có thói quen tự mình nghĩ ra những cách thể hiện khả năng cảm thụ bài hát như: tìm các động tác diễn xuất, các động tác múa đơn giản.
- Ở các lớp 4, 5: học sinh biết làm quen với các hoạt động sưu tầm, so sánh, mô phỏng những câu hát có đặc điểm chung về tiết tấu, về chủ đề, thể loại.
1.2. Tổ chức các hoạt động tương tác trong dạy - học hát:
Hoạt động có tính tương tác trong dạy học chính là sự phối hợp giữa thầy với trò, giữa trò với trò. Trong giờ học hát, sự tương tác ấy được biểu hiện ở các hoạt động sau:
- Đàm thoại giữa thầy và trò về những vấn đề liên quan tới bài hát như: tác giả, vùng miền dân ca, về ý nghĩa tư tưởng, tình cảm, giá trị nghệ thuật...
- Thầy hát mẫu, đàn mẫu giai điệu, học sinh hát theo.
- Học sinh hát nối tiếp từng câu, cùng nhau biểu diễn, tham gia trò chơi, vận động, gõ đệm...
1.3. Dạy - học các yếu tố tích hợp qua mỗi bài hát:
Tích hợp trong dạy - học là sự bao hàm đồng thời nhiều hoạt động, nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực khác nhau trong một đơn vị kiến thức, kỹ năng. Chẳng hạn trong khi dạy hát một bài hát, ngoài hoạt động chính là “hát” còn có các hoạt động “nghe”, “vận động”, “so sánh”, “mô phỏng”...hoặc trong khi giới thiệu một bài hát, giáo viên có thể giới thiệu những tư liệu liên quan về lịch sử, về đất nước, về con người, về thiên nhiên...Như vậy, khi học một bài hát, học sinh không những chỉ biết hát thuộc bài mà còn mở rộng được các kỹ năng khác của bộ môn âm nhạc và có cơ hội làm giàu thêm vốn tri thức, vốn văn hoá chung của mình. Tích hợp trong dạy học thường biểu hiện ở 2 phạm vi:
- Phạm vi bộ môn: bao hàm các hoạt động trong bộ môn đó.
- Phạm vi liên môn: bao hàm các kiến thức trong nhiều môn.
2.1. Những yêu cầu đối với giáo viên:
Để tiến hành dạy một bài hát, những yêu cầu đặt ra đối với người giáo viên tiểu học là:
2.1.1.Yêu cầu về năng lực chuyên môn âm nhạc
- Tự đàn được giai điệu bài hát đúng cao độ, trường độ.
- Phát âm lời ca đúng giọng phổ thông.
- Hát đúng lời ca, giai điệu các bài hát tiểu học.
2.1..2.Yêu cầu về chuẩn bị bài dạy:
- Cần nghiên cứu kỹ bài hát trước khi dạy.
- Hát thuộc lòng bài hát.
- Phân chia bài hát thành những câu ngắn, tập hát chuẩn xác từng câu với những tốc độ khác nhau.
- Sưu tầm các tư liệu liên quan ( tranh ảnh, truyện kể ).
- Nghiên cứu việc sử dụng các hoạt động kết hợp, các hình thức hát như: gõ đệm, động tác diễn xuất, múa đơn giản...
- Lập kế hoạch bài dạy ( Giáo án ).
2.1.3. Yêu cầu về phương pháp tổ chức tiết học trên lớp:
- Giáo viên phải biết sắp xếp tiến trình dạy bài hát theo những bước chặt chẽ, hiệu quả.
- Phân phối thời lượng cho từng hoạt động hợp lí.
Phát huy được năng lực âm nhạc của tập thể lớp và từng đối tượng học sinh.
2.2. Tiến trình dạy bài hát ở tiểu học
2.2.1. Xác định mục đích, yêu cầu dạy hát:
- Mục đích của việc dạy hát cho học sinh
- Hình thành những kỹ năng ca hát cơ bản nhất, qua đó tác động vào mặt cảm xúc, tình cảm của học sinh.
- Nhờ học hát, khả năng âm nhạc của học sinh được phát triển như: phát triển giọng tự nhiên, củng cố và mở rộng âm vực giọng, tai nghe, trí nhớ âm nhạc...
- Ca hát đem lại sự vui thích cho học sinh, giúp nâng cao tình cảm gắn bó trường lớp, đoàn kết tập thể. Đây là hoạt động quan trọng giải quyết nhiệm vụ giáo dục âm nhạc, làm hài hòa nhân cách trẻ.
- Những yêu cầu khi dạy hát cho học sinh tiểu học
* Yêu cầu:
- Hát đúng nhạc.
- Hát rõ lời, diễn cảm (âm thanh trong sáng, không gào thét)
- Hát đều, hòa vào tập thể
* Lưu ý trước dạy hát:
- Nắm rõ loại chất giọng, tầm cữ giọng và khả năng ca hát của học sinh.
- Thói quen ca hát của học sinh.
- Sở thích âm nhạc của học sinh.
- Xác định sắc thái của bài hát.
- Dự kiến những chỗ khó của bài để tìm cách dạy.
- Xác định những động tác múa hay động tác phụ trợ để kết hợp với hát nếu thấy cần thiết.
Khi tiến hành dạy hát cần trang bị cho học sinh các kỹ năng ca hát phổ thông như :
- Tư thế ca hát:
Khi đứng hát người thẳng đầu không nghiêng vai không so, hai tay buông dọc theo thân thả thoải mái, toàn bộ thân thể tựa đều vào hai chân. Khi ngồi hát đầu và thân cũng giống như khi đứng hát. hai tay đặt trên đầu gối, lưng thẳng không tựa vào ghế. Không vắt chân nọ lên chân kia.
- Hơi thở:
. Biết cách hít vào một lượng hơi vừa đủ để hát hết một câu hát.
. Lấy hơi vào đầu các câu hát không lấy vào giữa các câu hát.
. Lấy hơi bằng cả mũi lẫn miệng.
- Phát âm: Gọn gàng, khẩu hình tròn, đẹp không hát ê a, lè nhè hoặc âm thanh khô cứng.
- Hát đồng đều, hoà giọng thống nhất hơi thở ở các chỗ có dấu hiệu chỉ huy của giáo viên.
- Hát diễn cảm, âm thanh tròn, đẹp tránh la hét.
- Chú ý bảo vệ giọng hát của các em: Không hát quá to, không hát trước gió lạnh và không khí ẩm ướt.
2.2.2. Các bước dạy hát cho học sinh tiểu học
- Bước 1: Giới thiệu bài hát
Giáo viên cần giới thiệu những nội dung sau :
. Giới thiệu về nội dung bài hát.
. Đặc điểm nghệ thuật.
. Thể loại của bài hát.
. Xuất sứ của bài hát.
. Tác giả của bài hát.
- Bước 2: Hát mẫu
Bước " Hát mẫu "có thể được thực hiện bằng hai hình thức :
. Cho nghe băng mẫu.
. GV trình bày.
* Yêu cầu khi giáo viên hát mẫu: GV hát tốt nhiệt tình, giàu sức biểu hiện để gây được ấn tượng mạnh đối với các em. Sử dung nhạc cụ vừa đệm vừa hát sẽ giúp cho các em cảm thụ bài hát một cách đầy đủ, thú vị.
- Bước 3: Đọc lời ca
Viết sẵn lời ca lên bảng hoặc bảng phụ cho học sinh đọc rõ ràng, đúng chính tả. Có thể cho đọc theo hình tiết tấu của bài.
- Bước 4: Luyện thanh
Luyện trên một nguyên âm nào đó, hướng dẫn học sinh đọc từ thấp đến cao và ngược lại theo các nguyên âm: A, Ô, U.
- Bước 6: Dạy hát từng câu
Dạy hát theo lối móc xích
- Bước 7: Ôn luyện củng cố
Hát đúng nhịp độ quy định của bài, những chỗ cần hát nhanh dần, chậm dần, ngân tự do.
. Phát âm rõ các âm tiết , các từ của lời ca.
. Lấy hơi và ngắt hơi đúng chỗ.
. Hát đồng đều hoà giọng. Tập ngân dài giữ độ vang.
. Hát kết hợp vỗ tay đệm theo nhịp.
. Tập hát bè đơn giản.
. Tập hát đối đáp, hát có lĩnh xướng và hát đồng ca.
. Hát kết hợp vận động phụ hoạ.
Hát nhẹ nhàng, phát âm rõ ràng, GV chú ý giữ nhịp cho HS trong quá trình ca hát. Khi thuộc có thể hát kết hợp vỗ tay theo các hình tiết tấu.
2..3. Sử dụng và khai thác các phương tiện trong dạy hát
Phương tiện sử dụng trong dạy hát bao gồm những thiết bị dạy học dành cho giáo viên và những dụng cụ dành cho học sinh.
2.3.1. Thiết bị dành cho giáo viên
- Nhạc cụ: Đàn phím điện tử, Kèn phím Melodion hay có thể là các loại nhạc cụ khác như đàn Guitar, sáo dọc… Đàn phím là một nhạc cụ thông dụng và có tính năng rất phong phú, thuận lợi cho việc dạy học âm nhạc ở trường Tiểu học.
- Băng đĩa nhạc (bao gồm băng tiếng và băng hình) các bài hát trong chương trình và các bài sử dụng để nghe nhạc.
- Máy nghe băng đĩa nhạc và Tivi, đầu máy Video, đầu dĩa để xem băng hình.
- Tranh ảnh, hình vẽ, bản đồ… dùng để minh họa phục vụ cho bài hát.
2.3.2. Dụng cụ dành cho học sinh
- Một số nhạc cụ gõ dành cho học sinh sử dụng như: song loan, mõ, chuông nhạc, trống nhỏ, trống lắc…
- Giáo viên và học sinh cũng có thể tự tạo ra những nhạc cụ gõ bằng các vật liệu dễ kiếm như thanh phách tre, vỏ lon bia, chai nhựa chứa các viên sỏi.….tạo ra âm sắc khác nhau để học sinh gõ đệm khi hát các bài hát
2.4. Xác định phương pháp dạy các hoạt động kết hợp với hát
Khi dạy học sinh học hát, các em hát đúng giai điệu và lời ca (là một trong nững yêu cầu quan trọng) tuy nhiên không chỉ có như vậy. Các em không những hát thuộc, hoàn thành bài hát hát mà còn phải có những hoạt động kết hợp với hát. Những hoạt động đó là:
- Hát kết hợp với gõ đệm theo các hình thức: Gõ theo nhịp, phách, tiết tấu lời ca hoặc gõ với hai âm sắc của hai nhạc cụ khác nhau.
- Vận động theo bài hát.
- Tham gia trò chơi âm nhạc.
2.4.1. Hoạt động gõ đệm theo bài hát.
Học sinh có thể dùng tay vỗ theo nhịp, phách hoặc tiết tấu lời ca. Tuy nhiên hiệu quả âm nhạc sẽ tăng lên rất nhiều nếu sử dụng các nhạc cụ gõ với những âm sắc phong phú gõ đệm theo bài hát, đặc biệt là dùng hai tay sử dụng hai nhạc cụ gõ có âm sắc khác nhau Đây chính là một trong các biện pháp để giáo dục học sinh về cảm giác nhịp điệu, tiết tấu, những yếu tố rất quan trọng của âm nhạc.
Tuy nhiên giáo viên phải vận dụng linh họat đối với từng bài trên tinh thần là không phải nhất thiết bài hát nào cũng phải có đầy đủ các hình thức họat động kết hợp như trên.
2.4.2. Hát kết hợp vận động theo nhạc
Hát kết hợp vận động thân thể hoặc kết hợp các động tác múa đơn giản sẽ làm cho việc học tập của học sinh nhẹ nhàng, thoải mái và hứng thú hơn. Trẻ em thường thích hoạt động, nhất là hoạt động có yếu tố âm nhạc và nhảy múa. Nhờ vậy mà sự cảm thụ âm nhạc cũng được sâu sắc, có ý nghĩa hơn.
2.4.3. Trò chơi âm nhạc
Trò chơi âm nhạc có thể tạm chia thành một số dạng sau đây:
- Trò chơi trực tiếp kết hợp với nội dung bài hát, vừa chơi vừa hát.
- Trò chơi phát triển những kiến thức và kĩ năng âm nhạc (nghe, nhìn, đọc, hát, trì nhớ, phản xạ…)
- Đố vui (tìm hiểu và ôn luyện, củng cố kiến thức âm nhạc)